Bộ GD-ĐT cho biết, công tác ra đề và in sao, vận chuyển, giao nhận, bảo quản và sử dụng đề thi đúng quy định bảo đảm bảo mật, an toàn. Nội dung đề thi nằm trong chương trình THPT, chủ yếu là chương trình lớp 12; các nội dung dạy học được điều chỉnh do tác động của dịch Covid-19 không được đưa vào đề thi năm nay.
Đề thi gốc được bàn giao cho các hội đồng thi để tổ chức in sao kịp thời, bảo đảm bảo mật tuyệt đối. Các Sở GD-ĐT đã chuẩn bị đầy đủ cơ sở vật chất và nhân lực triển khai in sao, vận chuyển, bàn giao đề thi để tổ chức thi tại địa phương. Việc bảo quản và sử dụng đề thi tại các điểm thi bảo đảm an toàn, bảo mật, đáp ứng yêu cầu tổ chức thi.
Bộ GD-ĐT cũng cho hay, công tác phòng, chống gian lận công nghệ cao đã được quan tâm chỉ đạo, quán triệt đến các hội đồng thi và các điểm thi, từng cán bộ tham gia công tác thi. Trong đó có sự phối hợp chặt chẽ và hỗ trợ tích cực của các đơn vị chức năng của Bộ Công an. Các hội đồng thi đã thực hiện nghiêm theo hướng dẫn thi năm nay trong bố trí địa điểm bảo quản vật dụng cá nhân của thí sinh, bảo đảm an toàn, cách phòng thi ít nhất 25m.
Kỳ thi năm nay, cả nước có 30 thí sinh vi phạm quy chế thi. Trong đó, 26 thí sinh bị đình chỉ thi do sử dụng tài liệu và mang điện thoại vào phòng thi, 3 thí sinh bị khiển trách, 1 thí sinh bị cảnh cáo (năm 2023 có 41 bị đình chỉ thi). Không có cán bộ nào vi phạm quy chế thi. Cho đến thời điểm này, trên phạm vi toàn quốc chưa ghi nhận hiện tượng tiêu cực, gian lận có tổ chức.
Đánh giá sơ bộ, Bộ GD-ĐT cho rằng, việc tổ chức coi thi tại tất cả các điểm thi bảo đảm an toàn, nghiêm túc, đúng kế hoạch, đáp ứng yêu cầu tổ chức thi gọn nhẹ, thiết thực. Kỳ thi được tổ chức nghiêm túc, trung thực, khách quan, an toàn, đúng quy chế, bảo đảm thuận lợi và công bằng cho các đối tượng thí sinh.
Công tác đề thi được thực hiện nghiêm túc, an toàn, bảo mật từ Trung ương đến địa phương. Đề thi cơ bản đáp ứng yêu cầu tổ chức thi. Theo đánh giá ban đầu của thí sinh, giáo viên và dư luận xã hội, đề thi nằm trong chương trình THPT, có sự phân hóa phù hợp, bảo đảm kết quả thi chính xác, khách quan, dùng để xét công nhận tốt nghiệp THPT và cung cấp dữ liệu cho các cơ sở giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp sử dụng để tuyển sinh theo tinh thần tự chủ
- Bộ GD-ĐT nêu rõ.
Bộ GD-ĐT cũng khẳng định, ban chỉ đạo thi các cấp đã tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc tổ chức coi thi, kịp thời phát hiện, nhắc nhở và hỗ trợ khắc phục những hạn chế, thiếu sót, để tăng cường kỷ cương, giữ nghiêm kỷ luật phòng thi. Các hành vi vi phạm quy chế của thí sinh đã được kịp thời phát hiện và xử lý theo đúng quy định, bảo đảm tính nghiêm minh của kỳ thi.
Về nhiệm vụ trong thời gian tới, Bộ GD-ĐT cho biết, tiếp tục chỉ đạo, hướng dẫn và tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát bảo đảm thực hiện tốt các khâu chấm thi, đối sánh dữ liệu điểm thi, công bố kết quả, phúc khảo bài thi, xét công nghiệp tốt nghiệp THPT cho thí sinh và tuyển sinh đại học - cao đẳng.
Bộ GD-ĐT yêu cầu công tác chấm thi thực hiện chặt chẽ, nghiêm túc quy trình chấm thi tự luận, chấm thi trắc nghiệm và phúc khảo bài thi bảo đảm đúng quy chế và hướng dẫn của Bộ GD-ĐT, có camera giám sát phòng chấm thi 24/24 giờ.
Tăng cường củng cố hạ tầng công nghệ thông tin để việc công bố kết quả thi được thuận lợi, không xảy ra tình trạng nghẽn mạng. Đồng thời, sẵn sàng hỗ trợ thí sinh thay đổi nguyện vọng đăng ký xét tuyển đại học, cao đẳng sau khi có kết quả thi.
Kết quả thi sẽ công bố vào 8 giờ ngày 17-7.
Tin liên quan
Thí sinh hào hứng vì đề thi môn Ngoại ngữ vừa sức
PHAN THẢO